Trung tâm gia sư Quốc Khánh – 0868.710.722
HÃY 1 LẦN QUAN TÂM ĐẾN CẢM XÚC BỌN TRẺ! Tình hình bệnh dịch diễn ra hết sức phức tạp, trên thế giới và ngay cả Việt Nam lúc này, ai cũng nín thở chờ đợi tin tức. Trong khi học sinh cả nước các cấp THCS trở xuống đều được nghỉ học, trừ một số địa phương có lãnh đạo giáo dục “tận cùng vô cảm”, cho cả học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS đi học thời điểm này. Thì đa số, học sinh cấp 3 – THPT ở rất nhiều tỉnh, vẫn phải đi học bình thường.
Cảm giác vừa buồn vừa lo, đó là tâm trạng chung của tất cả các học sinh cấp 3 trên cả nước, dịch diễn biến khó lường, vẫn phải cắp sách đến trường, để chạy theo kì thi THPT sắp tới. Nhiều em bố mẹ cho nghỉ, sợ thua thiệt bạn bè, vẫn nhất quyết đến trường dù không hề muốn.
“Chữ vào đầu thì ít, cảnh giác thì cao. Mỗi khi có tin xuất hiện ca dương tính mới, tâm trạng chúng cháu lại càng đi xuống chú ạ. Có khi những tiết học chúng cháu đến lớp, rồi lén bật điện thoại lên để xem tình hình bệnh dịch như diễn biến đến đâu. Tụi cháu không dám nghỉ vì kì thi THPT là cánh cửa duy nhất vào tương lai, nhưng cháu thật sự lo lắm chú ạ.” – Một em học sinh lớp 12 gửi tin nhắn cho Vũ.
Giữa những thông tin cảnh giác mới nhất của chính phủ, đến cả khách nước ngoài cũng nên đeo khẩu trang nơi công cộng, giao tiếp cách xa nhau 1m-1,8m, hạn chế tụ tập đông người
Thì các em vẫn phải chịu cảnh 50 học sinh một lớp, tụ tập “đông người” một cách chủ động, phát biểu liên tục, ngồi cách nhau 2 gang tay, nhiều em cũng không màng đeo khẩu trang vì Bộ Giáo Dục cũng không bắt buộc. Nghĩ đến thôi, cũng cảm thấy “rợn người”.
Chúng ta có đang quá vô cảm với các em hay không?
Khi học Online vẫn có thể là một trong những giải pháp đúng đắn thời điểm này, và Bộ GD chính thức thông báo sẽ công nhận kết quả của việc học Online.
Hay người lớn đang tự thần thánh hóa “sức đề kháng” của bọn trẻ, để rồi giờ chúng đi học trong lo sợ thế này!
Cứ bắt học cho nhanh để làm gì, khi bao doanh nghiệp đang phải gồng mình chống dịch, đóng cửa và tạm đóng cửa hàng loạt. Đi học cũng chỉ mong tìm kiếm việc làm,… Giờ thì cơ hội việc làm lại càng giảm dần!
Nhưng quan trọng nhất giáo dục… giáo dục là để yêu thương cơ mà! Học chữ làm gì khi cái tâm không thể tĩnh!
—————————————
🛑Nhiều chuyên gia kiến nghị cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tháng, có thể lấn sang năm học 2020-2021 để phòng Covid-19, tránh phải nhiều lần thay đổi lịch nghỉ.
Đánh giá việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học (kết thúc trước ngày 15/7, kỳ thi THPT quốc gia 8-11/8), thạc sĩ Lưu Đức Quang (Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng động thái này vẫn mang tính tình thế, chưa căn cơ.
Dẫn ý kiến của chuyên gia y tế, ông Quang cho rằng nếu may mắn không có diễn biến xấu hơn, ít nhất cần 2-3 tháng để đại dịch lắng xuống.
Do đó khung thời gian năm học 2019-2020 cần khoảng lùi tương đương để tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi đưa con em đến trường, tránh tình trạng cứ đến cuối tuần lại hồi hộp chờ đợi thông báo nghỉ học của chủ tịch UBND tỉnh, thành.
“Dường như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn muốn năm học mới 2020-2021 bắt đầu từ ngày 5/9. Thật ra ngày khai giảng chỉ mang tính truyền thống, không luật nào quy định, tại sao không tính đến phương án nghỉ lấn sang năm học sau?”, ông Quang đặt vấn đề.
Nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ đến cuối tháng 3, có nơi nghỉ sang đầu tháng 4, tức đã dùng gần hết kỳ nghỉ hè. Thạc sĩ Quang đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán để năm học mới bắt đầu muộn hơn 1-2 tháng so với truyền thống.
Khung thời gian năm học 2019-2020 cũng được tịnh tiến theo.
Dựa trên khung thời gian năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra nhiều phương án dạy học. Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ lựa chọn thời điểm đi học phù hợp với thực tế địa phương. Như vậy, việc phân cấp thẩm quyền vẫn đúng quy định, đảm bảo sự thống nhất giữa các địa phương trên cả nước.
Riêng lớp 12, ông Quang cho rằng phải tạo cơ chế công bằng trong học sinh cả nước bởi các em sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. “Lùi thời gian học sang năm sau có vẻ khó, nhưng vẫn làm được. Đừng vội vàng cho đi học khi xã hội chưa yên tâm, vì khi đó người cho đi học, người cho ở nhà thì mục tiêu giáo dục không đạt được”, ông Quang nói. (Vnexpress)
—————————————
🛑GS Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng một tuần qua dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan diện rộng, ngành giáo dục cần tính phương án cho nghỉ học dài ngày, có thể kéo dài 1-2 tháng tới, thậm chí nghỉ hết học kỳ II.
Thế hệ của ông Tống từng bị gián đoạn học tập vì chiến tranh, nhưng đều được bù đắp bằng nhiều cách.
Vì thế ông Tống cho rằng không cần lo nghỉ dài sẽ gián đoạn, ảnh hưởng đến chương trình học hay trình độ của một thế hệ. “Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực. Giáo dục là công việc lâu dài, trễ một học kỳ và sau đó bù lại là cần thiết, vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe”, ông nói. ( Vnexpress)
—————————————
Các ông bà lãnh đạo Giáo Dục ơi!
Làm ơn, làm ơn, một lần thôi! Hãy một lần quan tâm đến cảm xúc bọn nhỏ…
Văn hóa Việt Nam trọng cảm xúc, bọn trẻ rất dễ bị ảnh hưởng vì tâm lý hoang mang chung của bệnh dịch. Người lớn chúng ta còn chịu không nổi trước thông tin bệnh dịch mỗi ngày, đừng nói đến bọn nhỏ…
Tôi thương chúng thật sự!
Hoàng Nguyên Vũ