KINH NGHIỆM LÀM GIA SƯ
- Bạn là giáo viên mới vào nghề, bạn muốn tăng thêm thu nhập giúp cuộc sống ổn định hơn.
- Hay bạn là sinh viên, bạn muốn tự trang trải tiền học phí và sinh hoạt để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
- Và điều bạn đang hướng đến là công việc gia sư, một công việc phù hợp với ngành nghề, với thời gian linh động giúp các bạn có thể vừa dạy, vừa kiếm thêm thu nhập nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc và học tập của bản thân.
- Nhưng liệu bạn có thể bước vào công việc gia sư một cách dễ dàng khi chưa có chút kinh nghiệm nào và bạn có thể phát triển lâu dài với công việc này hay không?
- Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này, một chút chia sẻ về kinh nghiệm làm gia sư sẽ phần nào giúp bạn tự tin hơn.
- Điều ấy không chỉ giúp bạn có được công việc ổn định mà còn mở rộng thêm nhiều mối quan hệ xã hội, có thể giúp ích cho việc phát triển sự nghiệp của bạn sau này.
- Để các bạn có thể dễ dàng theo dõi, bài viết này sẽ chia làm bốn hướng kinh nghiệm tương ứng với bốn đối tượng. Đó sẽ là hướng học viên, phụ huynh, trung tâm gia sư và cuối cùng là về phía các bạn – những giáo viên, sinh viên muốn phát triển lâu dài với công việc gia sư.
-
1. Về phía phụ huynh
- Như các bạn đã biết, để tạo được thiện cảm với phụ huynh là một điều không khó nhưng cũng chẳng dễ dàng.
- Bởi thế, việc tạo ấn tượng tốt ngay từ lần gặp đầu với phụ huynh là điều rất quan trọng. Điều đó sẽ quyết định phần nào thời gian bạn sẽ gắn bó công việc gia sư với từng gia đình học viên.
- Dân gian đã có câu “Trông mặt mà bắt hình dong”, do đó bước đầu tiên trong việc tạo ấn tượng tốt sẽ là vẻ bề ngoài của bạn.
- Như vậy, khi xuất hiện trước phụ huynh, bạn phải tạo được một vẻ ngoài gọn gàng, chỉnh tề nhưng đừng quá trau chuốt, hãy tạo cho mình một phong thái giản dị, gần gũi.
- Tiếp đến, là sự chuẩn bị những nội lực bên trong của bản thân.
- Đó sẽ là cách giao tiếp lịch sự nhưng không kém phần tự tin, bởi nếu một gia sư thiếu tự tin với năng lực bản thân sẽ khiến phụ huynh không yên tâm về trình độ của người gia sư đó.
- Vì thế, bạn cần biết điều tiết cảm xúc, sự tự tin của mình vừa đủ và đúng lúc.
- Và sau cùng sẽ là việc bạn thể hiện phong cách chuyên nghiệp của mình thông qua cách bạn trao đổi với phụ huynh về học lực của các em và những mục tiêu, kết quả mà phụ huynh mong muốn.
- Nếu có thể, sau quá trình trao đổi với phụ huynh, bạn hãy xin phép được trò chuyện riêng với em học sinh trong khoảng vài phút. Việc này sẽ tạo được thiện cảm với phụ huynh bởi thái độ tận tâm của bạn.
- Ngoài ra, trong quá trình làm gia sư tại nhà, bạn hãy luôn tạo thiện cảm và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh.
- Đó có thể là một hành động nhỏ, như việc luôn đúng giờ dạy hay có khi dạy sớm vài phút, về muộn vài phút cũng sẽ khiến phụ huynh cảm thấy hài lòng và có thiện cảm nhiều hơn với bạn.
- Như vậy, việc tạo được thiện cảm với phụ huynh sẽ dễ dàng hơn nếu bạn biết kết hợp giữa vẻ bề ngoài tươm tất cùng sự tận tâm và lòng tự tin của bạn.
-
2. Về phía học sinh
- Nếu như vượt qua được “vòng kiểm duyệt” của phụ huynh, bạn sẽ bước vào một quá trình lâu dài và có vẻ khó khăn hơn. Đó là việc giảng dạy và nắm bắt được những yếu tố tâm lý của học sinh để giúp việc dạy – học đạt hiệu quả cao.
- Như đã nói ở trên, trong buổi gặp đầu tiên với phụ huynh, bạn sẽ xin một khoảng thời gian ngắn để trò chuyện với học sinh.
- Đó sẽ là lúc bạn tạo sự gần gũi, quan tâm với học sinh, bạn sẽ hiểu hơn về những khó khăn của học sinh với môn học bạn sắp dạy.
- Từ đó, bạn sẽ định hướng về phương pháp cũng như nội dung giảng dạy phù hợp với trình độ của học sinh.
- Không những thế, trong lúc trò chuyện bạn hãy tạo không khí thoải mái, giúp học sinh có thể bày tỏ những nguyện vọng của mình, như việc cải thiện điểm số hay muốn học chuyên sâu hơn về một mảng kiến thức nào đó.
- Và trong lúc trò chuyện hãy tập trung nắm bắt tâm lý của học sinh, điều ấy sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp sư phạm giúp học sinh cải thiện được việc tiếp thu kiến thức cũng như giải tỏa được những áp lực tâm lý.
- Sau ngày đầu tiên ấy, bạn sẽ bắt đầu giảng dạy cho học sinh với giáo án và phương pháp sư phạm cụ thể, phù hợp với trình độ và tâm lý của học sinh đó.
- Có như vậy thì việc giảng dạy sẽ đạt kết quả tốt, giúp học sinh vượt qua những trở ngại tâm lý và trở thành một người gia sư đáng tin cậy với học sinh.
- Trong quá trình giảng dạy bạn cần lưu ý, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, bởi kiến thức trong sách giáo khoa sẽ có nhiều thay đổi theo từng năm.
- Điều đó sẽ góp phần tạo nên uy tín và nâng cao trình độ sư phạm của bạn.
- Không những thế, ở lứa tuổi học sinh luôn có những biến đổi liên tục trong quá trình phát triển tâm sinh lý, do đó, sau buổi học, bạn có thể dành ít thời gian để trò chuyện hay lắng nghe tâm sự của học sinh, điều này sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa gia sư và học sinh trở nên thân thiết hơn, sẽ giúp ích cho việc giảng dạy của bạn.
- Bởi khi học sinh đặt niềm tin vào bạn cũng là lúc học sinh sẽ lắng nghe chăm chú bài giảng của bạn cũng như những lời khuyên chân thành từ bạn.
- Điều này sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho cả hai phía, giảng dạy và học tập, giúp việc dạy trở nên dễ dàng và việc học cũng sẽ thoải mái hơn.
- Đôi khi với những kiến thức mới, khó hiểu, bạn nên kiên nhẫn giảng giải cho học sinh hay có thể lồng ghép vào các bài tập vận dụng hay những mẩu chuyện thú vị, giúp học sinh có thể thư giãn và nhớ lâu hơn.
- Bởi có khi, sau những giờ học căng thẳng ở nhà trường, học sinh muốn có không khí học tại nhà dễ chịu, thoải mái với những tiết giảng thú vị.
- Bạn nên nắm bắt những tâm lý ấy để việc dạy không trở nên khiên cưỡng, khiến học sinh cảm thấy chán ngán.
- Ngoài ra, bạn có thể tạo hứng thú trong học tập bằng việc đưa ra những trò chơi hay những hình thức thưởng phạt khác nhau nhưng hãy để cho học sinh được quyền lựa chọn hình thức thưởng phạt, vì lúc đó các em sẽ không cảm thấy bị ép buộc mà thấy được tôn trọng hơn.
- Ví dụ như, nếu em đạt được điểm cao trong bài kiểm tra thì cô sẽ thưởng cho em một món quà, đó có thể là một mẹo ghi nhớ nào đó hay một bí quyết làm bài…và ngược lại, nếu điểm thấp thì em phải làm thêm vài bài luyện tập nữa…
- Hay bạn có thể nghĩ ra những trò chơi ôn tập, vừa học vừa chơi giúp các em thư giãn sau những ngày học vất vả.
- Cuối cùng, sau một thời gian học nhất định, bạn nên cho học sinh những bài kiểm tra kiến thức định kì để đánh giá trình độ học sinh nhằm cải thiện những mặt kiến thức còn yếu và phát huy những mặt mạnh của các em.
- Và sau mỗi bài kiểm tra ấy, bạn nên dành ít thời gian để trò chuyện và trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của các em, những tiến bộ và những mặt còn hạn chế, giúp phụ huynh nắm được học lực của con mình.
- Ngoài ra, nếu phụ huynh có yêu cầu gì thêm, bạn hãy lắng nghe, trao đổi và thỏa thuận với phụ huynh nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với gia đình học sinh.
-
3. Về phía trung tâm gia sư
- Khi bạn có ý định hợp tác với trung tâm gia sư thì trước tiên bạn phải tìm hiểu kỹ càng trung tâm mà bạn muốn làm việc lâu dài. Tránh trường hợp bạn tìm nhầm đến những trung tâm gia sư kém uy tín, hay nghiêm trọng hơn là những trung tâm giả mạo.
- Điều đó sẽ gây những ảnh hưởng bất lợi cho bạn, có khi bạn sẽ bị mất một khoản tiền dành dụm của mình, nhất là những bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm.
- Bạn có thể tìm hiểu thông tin của trung tâm gia sư qua mạng internet, hay qua kinh nghiệm của bạn bè đã từng làm việc với trung tâm gia sư ấy.
- Và tốt nhất, khi bạn muốn làm việc với trung tâm gia sư nào đó, bạn hãy trực tiếp tìm đến trung tâm ấy, trao đổi với người quản lý.
- Nếu là trung tâm gia sư uy tín, họ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho bạn và cả hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên.
- Bạn cũng nên đọc kỹ những điều khoản hợp đồng giữa hai bên trước khi thỏa thuận, điều ấy sẽ giúp bạn hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên.
- Từ đó, việc cộng tác giữa hai bên sẽ trở nên dễ dàng và lâu bền hơn.
- Ngoài ra, khi quyết định hợp tác với trung tâm, bạn nên tuân thủ những điều khoản hợp đồng và góp phần tạo dựng uy tín cho trung tâm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn xây dựng được lòng tin nơi trung tâm cùng quý phụ huynh và học sinh.
- Một điều bạn cần lưu ý khi đăng kí nhận lớp ở trung tâm là bạn phải lựa chọn lớp dạy phù hợp với khả năng và trình độ của mình, tránh trường hợp vượt quá khả năng khiến bạn không thể hoàn thành tốt việc giảng dạy của mình.
- Hãy lựa chọn lớp dạy phù hợp với mình để có thể hoàn thành tốt công tác, tạo dựng được uy tín cho mình, giúp công việc gia sư trở nên ổn định và lâu dài.
-
4. Về phía gia sư
- Về phía các bạn, những giáo viên mới vào nghề hay sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, các bạn hãy tự trang bị cho mình vốn kiến thức cũng như nghiệp vụ sư phạm để có thể hoàn thành tốt công việc.
- Bởi việc trở thành một gia sư giỏi, không chỉ phụ thuộc vào trình độ hay vốn kiến thức sâu rộng mà còn phụ thuộc vào năng lực sư phạm, khả năng giao tiếp và nắm bắt tâm lý học sinh. Tất cả điều ấy sẽ bổ trợ cho nhau, giúp bạn tự tin hơn trong công tác giảng dạy của mình.
- Không chỉ vậy, khi lựa chọn lớp dạy cho mình, ngoài việc trang bị những kiến thức chuyên môn để giảng dạy như phương pháp dạy, giáo án, hay kinh nghiệm sư phạm… bạn còn phải chú ý đến mức lương hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy và di chuyển.
- Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm môi trường dạy có phù hợp với bản thân, cần nhận biết những điểm bất lợi cho bản thân.
- Bởi việc giảng dạy, kiếm thêm thu nhập là một việc làm tốt, giúp ích cho bản thân và gia đình nhưng nếu bạn cảm thấy bất an trong quá trình dạy hay việc đến nơi dạy quá xa so với nơi bạn ở thì bạn hãy lựa chọn những lớp dạy khác hay có thể linh động thay đổi giờ dạy để tránh những bất cập trong quá trình giảng dạy.
- Thêm vào đó, trong quá trình làm gia sư, bạn vừa có thêm thu nhập lại vừa tích lũy thêm những kinh nghiệm giảng dạy cũng như kinh nghiệm xử lý các tình huống sư phạm, khả năng trò chuyện, thấu hiểu tâm lý học sinh.
- Những điều ấy sẽ giúp ích cho công việc của bạn sau này, nếu bạn có ý định trở thành một giáo viên ưu tú.
- Đây là những kinh nghiệm mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Chúc các bạn thành công với sự lựa chọn của mình!
Các gia sư có thể tìm hiểu thêm chuyên mục : GIA SƯ CẦN BIẾT